Mình nói gì khi nói về cà phê (1)


 

Đôi tuần trước, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở ViNa, tôi có dịp tới một vài tiệm cafe (tạm gọi là ‘new wave café’) ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội.
Qua rất rất nhiều năm, cà phê phin đồng nghĩa với cà phê Việt Nam, và ngược lại. Sau một thời gian hơi dài làm về espresso, tôi tự hỏi những espresso café ở Việt Nam, đất nước với phần lớn là robusta, người ta sẽ làm thế nào.

Tôi ghé Reng Reng cafe ở Hà Nội rất tình cờ do một anh bạn dẫn tới. Điều đầu tiên làm tôi ấn tượng không phải là cafe của chính gia đình chủ quán trồng và rang xay tại Lâm Đồng, pha và bán ở Hà Nội. Mà là một phong cách rất.. không giống ai.

Tiệm cafe này, thực ra, không có địa chỉ hay biển hiệu. Nếu anh bạn tôi không kéo lại thì tôi cứ cắm đầu đi bỏ qua một căn nhà rất im lặng trong ngõ Lý Nam Đế. Tiệm rất yên và… có mùi cafe rất thơm (điều tưởng chừng đơn giản nhưng rất hiếm có). Khách nói chuyện rất nhỏ, nhân viên nói còn nhỏ hơn. Tôi khẽ gọi một ly latte mà chỉ lo mình quen nói lớn không biết có bị đuổi ra hay không. Tiệm có policy hơi khác với tên gọi Reng Reng, khách ở đây không nói chuyện lớn tiếng, không khuyến khích chụp ảnh hay check-in.

Tôi gọi uống tại quán một ly latte với độ rang vừa. Ngồi ở trên gác, trong một con ngõ hơi bé ở Hà Nội, nhìn 3 anh barista, anh nào cũng na ná nhau, rất lặng lẽ và nghiêm túc. Máy cà phê và máy xay ở đây khá chân phương, có vẻ như best-seller là cà phê rang vừa.

Một lúc sau, ly latte được một anh nhân viên mang ra, theo khẩu hình tôi đọc được thì anh nói: Latte của bạn đây. Shot espresso Lâm Đồng chỉn chu, sữa Mộc Châu được steam mịn màng. Vị cà phê mộc mạc nhưng lại rất nổi bật quyện với chất sữa béo ngậy. Một ly cà phê, theo tôi nghĩ, có thể bỏ qua được tất cả những policy ‘chẳng-giống-ai’ của tiệm mà vẫn vui vẻ ghé tới uống. Ấn tượng của ly cà phê ở Reng Reng đủ tốt để tôi muốn mua hạt về pha.

Trên hình là cà phê mộc, rang đậm của Reng Reng. Được xay bởi máy xay Mythos 1, kích thước xay là 3mm. Máy pha là Synesso Cyncra, sữa Devondale.

Và tôi gọi đây là cà phê Việt Nam.

[Một vài cảm nghĩ] Norwegian wood by Haruki Murakami


Norwegian wood cover

1.

‘Rừng Nauy’ của Murakami là một cuốn sách có thể đi theo người đọc nó trong suốt nhiều năm tháng của tuổi trẻ. Nhiều người có thể không ‘ưa’ Murakami trong lần đọc đầu. Cũng có thể mãi về sau mới thấy thích, rồi thấm dần, rồi nghiện lúc nào không hay.

Nếu có sắc màu nào đó để phủ lên ‘Rừng Nauy’ thì đó hẳn phải là một màu xám-trắng. Màu trắng của tuyết phủ kín một khu rừng mùa đông. Và màu xám khói của một đám cháy trong thành phố bốc lên bầu trời lúc chiều muộn.

2.

Chất liệu chính của Murakami dùng trong ‘Rừng Nauy’ là nhạc của Beatles. Cụ thể hơn, là từ một bài hát của nhóm: Norwegian wood. Một bài hát của John Lennon sáng tác sau một lần ngoại tình của anh. Từ đó, Murakami kể một câu chuyện hoàn toàn… không liên quan đến bài hát.
Đó là hồi ức của chàng trai Toru Watanabe về những năm tháng tuổi trẻ của anh. Qua hồi ức của Toru, ta bắt gặp nhiều người trẻ cô đơn, những tính cách (được cho là) khác lạ. Có cả những cái chết trẻ, vì tự tử, bằng nhiều kiểu khác nhau.

Nhạc của Beatles xuất hiện nhiều và hợp lý trong suốt truyện. Những nhân vật cô đơn và lạc lối trong ‘Rừng Nauy’ làm tôi thực sự nghĩ rằng Murakami có thể đã lấy cảm hứng từ ‘Eleanor rigby’ của Beatles:

All the lonely people
Where do they all come from?
All the lonely people
Where do they all belong?

3.

Điểm sáng của ‘Rừng Nauy’, theo tôi, không phải là ở màu trắng của tuyết phủ trong khu rừng có Naoko ở trong đó. Mà là sắc màu của những lúc Toru ở cạnh Midori nhiều hơn. Đó phải chăng là điều mà Murakami muốn gửi gắm tới người đọc? Qua tất cả những mất mát, đau khổ, cô đơn của tuổi trẻ. Giữa sự sống và cái chết, người ta luôn có thể chọn cho mình cuộc sống.

One day you’ll find that I have gone
But tomorrow may rain, so I’ll follow the sun

I’ll follow the sun – The Beatles

Những người trẻ trong ‘Rừng Nauy’, dù chọn cuộc sống hay cái chết, đều làm cho người đọc thấy phần nào, chính bản thân mình trong đó. Để rồi sau đấy cuốn sách cứ đi theo mình lâu lắm, mãi những năm tháng về sau này.

[Brief review] Mogwai in Sydney Opera House (02/03/2015)


unnamed (5)

Hôm qua quả là một ngày của những lần-đầu-tiên.

Lần đầu tiên được chui vào trong khán phòng của Opera house.
Lần đầu tiên được nghe Mogwai chơi live.
Lần đầu tiên đi xem show ‘được’ phát cho ear-plug.

Khi bắt đầu lò dò vào sảnh đợi của khán phòng trong Opera house, tôi thấy lác đác khuyến cáo rằng show này sẽ cực-kỳ-ồn. Từ khi qua đây, tôi vẫn cố gắng đi mỗi năm đôi ba show, nhưng chưa bao giờ gặp khuyến cáo kiểu này.

Vậy ồn là ồn bao nhiêu? Đến khi vào mới biết bọn nó phát cho mình ear-plug không phải là thừa.

Đúng 8.00PM, Mogwai ra sân khấu. Anh front man chiêu một hớp scotch rồi chào khán giả: Xin chào chúng tôi là Mogwai đến từ Glasgow – Scotland.

Mogwai on stage
Track đầu tiên, như mọi show khác của Mogwai, là “I’m Jim Morrison, I’m Dead”. Âm thanh trong khán phòng của Opera house chắc chắn là một thứ âm thanh hay nhất từ trước tới giờ tôi từng được nghe.

Sau đấy Mogwai chơi liền một mạch gần hai tiếng đồng hồ, đan xen cả những track trong các album cũ, và những track trong ‘Rave Tapes’, album mới nhất của band.

Khi nghe Mogwai chơi live là một trải nghiệm mà bọn Tây sẽ gọi là out-of-body-experience. Thứ âm nhạc mà Mogwai trình diễn, nó như những lớp sóng liên tiếp, nhanh dần và mạnh dần hướng về phía người nghe. Mỗi đợt sóng kế tiếp càng cao, càng mạnh hơn những đợt trước. Để khi nhấn chìm người nghe đến một mực sâu tưởng chừng như không cưỡng lại được, thì ta lại thấy mình đang lênh đênh trên đại dương phẳng lặng, như chưa hề có gì xảy ra.

Dù sao, được ngồi trong một nhà hát ở giữa biển, nghe một band nhạc tuyệt vời, chơi một thứ âm nhạc ồn ã nhưng cũng đầy phấn khích là một trải nghiệm hoàn hảo. Mà trong đời không phải lúc nào cũng trải qua đuợc.

Mấy chuyện lặt vặt


1.

Tôi có một ông bạn, 8x đời giữa, lấy vợ là một 7x đời cuối. Chả hiểu có phải do chênh lệnh về tuổi hay không mà lấy nhau về rồi đâm ra hay cãi nhau.

Có lần căng quá, ông bạn tôi tống hết đồ đạc vào vali (dăm bộ đồ, thuốc lá, đĩa nhạc..). Xách vali lên và bỏ đi khỏi nhà (của vợ). Vừa đi vừa chửi với lại: Đ*m, tao không cần gì cả. Tao còn trẻ, còn làm lại được hết, nhá. Nói xong thì cũng đi thật, đi vài hôm. Nhà người này một bữa, người kia một bữa. Ăn ở thì vô tổ chức, râu ria quần áo trông nhếch nhác hẳn.

Vợ 7x vẫn ở nhà, vẫn đi làm, trông con như chẳng có gì ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Vài bữa sau, đi chắc cũng đã chán. Chồng trẻ về bảo: Mình ơi, thôi tôi về nhà nhé.

 

2.

Đôi khi chúng ta vẫn nói với nhau và tự nhủ rằng mình vẫn còn trẻ, hãy cứ từ từ. Nhưng đến một lúc nào đó, bạn chợt nhìn lại rồi thấy mình đã 25 tuổi. Đã quá già để được gọi là mới lớn.

Đã tốt nghiệp (nếu có) và đã đi làm được vài năm.

Đã thấy bạn bè xung quanh chúng nó đã lập gia đình gần hết. Đứa ít thì một con, đứa nhiều thì cũng đã lại chuẩn bị lên xe hoa lần nữa. Mà mình thì vẫn loay hoay chưa biết sẽ thế nào.

Đã thấy nhiều người gọi mình bằng anh/chị xưng em, con nít thì gọi cô gọi chú. Vào club hay casino cũng chả thấy đứa nào buồn nhìn mặt mình mà kêu lôi ID ra kiểm tra nữa. Buồn gì đâu..

Có lẽ, khi đó bạn thấy mình không còn từ từ được nữa. Không còn nhiều cơ hội để sai và sửa sai. Không muốn mất một điều gì đó để phải làm lại từ đầu. Bạn bỗng thấy, theo thời gian bản thân mình đã già đi, lo lắng nhiều hơn, sợ mất mát nhiều hơn. Và cần sự ổn định (hay bình yên)

 

3.

Có người hỏi tôi: Mày còn nhớ Việt Nam không?
Tôi bảo: Có, lúc nào chả nhớ.

Ai dè nó lại bảo: Còn nhớ là chưa ổn định đâu. Tôi không nói gì, chỉ nghĩ: Vậy ra hết nhớ nhà nghĩa là đã ổn định, he he.

Sự ổn định, bình yên và hạnh phúc ở mỗi người có lẽ cũng khác nhau. Cũng như một logic đã cũ: Người ta hay thèm những thứ mình không có. Có lẽ vậy.
Có phải chính vì thế nên người ta cứ mãi mải mê đi tìm những hạnh phúc ở đâu đâu xa xôi lắm mà không thấy nó giản dị ở ngay gần quanh mình thôi?

Cũng như ông bạn 8x ở trên của tôi. Nhà hơi giàu, cũng hơi đẹp trai. Người đeo đầy kim cương đá quý, đồng hồ Rolex vàng chóe. Chạy Audi, mặc đồ Armani, đi giày Ý hay ngồi cafe một mình nơi góc đường. Thi thoảng dít một hơi thuốc sâu, mắt hoe hoe nhìn xa xăm thở dài:
– Đời anh khổ lắm, mày không biết đâu…